Thực trạng buôn bán người mà đặc biệt là nô lệ tình dục tại Nigeria là một trong những vấn nạn nhức nhối. Điều này được đạo diễn Kennet Kenneth thể hiện qua Oloture một cách sâu sắc và cũng là hồi chuông cảnh báo cho những người phụ nữ tại đất nước này.
Nói về nạn mại dâm và buôn người tại Nigeria thì là một tình trạng đáng báo động tại đất nước này. Hàng năm, hàng chục ngàn phụ nữ bị buôn bán qua những đường dây mại dâm. Những cô gái bị bán vào đây bị buộc phải đi tiếp khách, làm việc, bị đối xử tàn tệ bởi những kẻ ma cô và dắt gái.
Bộ phim được lấy cảm hứng từ một nhà báo điều tra Tobore Ovuorie của Premium Times, người đã hoạt động bí mật vào năm 2014 để phơi bày hiện thực cuộc sống của những phụ nữ bị buôn bán ở đất nước này.
Bài báo của cô có tựa đề Inside Nigeria’s Ruthless Human Trafficking Mafia đã lan truyền mạnh mẽ. Sau đó, cô bị hành hung như mô tả của nhân vật chính trong phim.
Những cảnh quay trong phim cho thấy cách tuyển dụng và bóc lột người bán dâm ở nước ngoài với sự tham gia của các diễn viên Beverly Osu, Segun Arinze, Omoni Oboli, Yemi Solade và Wofai Fada.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) ước tính 91% nạn nhân bị buôn bán từ Nigeria là phụ nữ và một nửa trong số họ bị bóc lột tình dục bởi những kẻ buôn người.
Trong cuộc điều tra của Ovuorie, cô cho biết mình đóng giả làm gái mại dâm trên đường phố Lagos, muốn đi du lịch châu Âu. Kế hoạch của cô đã thành công. Cuối cùng cô đã được kết nối với một kẻ buôn người hứa đưa cô đến Ý. Cô đã hợp tác với ZAM Chronicles và Premium Times ghi lại những trải nghiệm của mình.
Sau khi được “dạy dỗ”, cô ấy cho biết cô và những cô gái khác sẽ nhận được hộ chiếu giả để chuẩn bị cho việc ra nước ngoài bất hợp pháp qua biên giới ở Benin, Tây Phi. Tuy nhiên, cô đã trốn thoát ở biên giới.
Chính những thông tin này đã giúp xây dựng nên một bộ phim Oloture xuất sắc với những thực trạng kinh hoàng mà những người phụ nữ bị lừa bán phải chịu đựng.
Trong Oloture, người xem được nhìn thấy những hình ảnh thực tế về cuộc sống của một gái mại dâm vùng Lagos. Họ sống trong những căn nhà tập thể xập xệ nằm xa thành phố. Những bữa ăn sơ sài và môi trường sống có phần nhếch nhác khiến những người phụ nữ này sống trong điều kiện thiếu thốn với bà chủ nhà kiêm chủ nợ.
Những người phụ nữ nghèo khổ đến từ nhiều vùng quê nghèo của Nigeria hàng ngày tiếp khách mua dâm để có tiền trang trải cuộc sống, gửi về cho gia đình và những cơn nghiện ngập của bản thân. Hình ảnh những cô gái ăn mặc diêm dúa trên hè phố và tìm những người khách làng chơi trong ánh đèn nhợt nhạt của đêm tối. Không ít lần nhân vật chính tìm cách trốn chạy khỏi những vị khách làng chơi của mình.
Một phân cảnh đầy chân thực trong cuộc sống hàng ngày của những cô gái đứng đường. Các cô gái bất chấp yêu cầu của khách hàng để kiếm tiền, họ tranh giành nhau chỗ đứng trên đường phố. Thậm chí họ bị ép sử dụng ma túy và cưỡng hiếp bởi những kẻ có quyền lực khi phục vụ trong những bữa tiệc đầy trụy lạc của âm mưu, rượu và tình dục.
Những nỗ lực của các cô gái vì mục đích riêng của mình nhưng suy cho cùng đều là vì tiền. Khát vọng đến châu Âu để đổi đời của các cô gái trở thành con mồi của những kẻ buôn người và rơi vào những đường dây mại dâm xuyên quốc gia.
Người xem được chứng kiến những góc tối của cuộc sống khi xung quanh các cô gái là sự kiểm soát của những kẻ chuyên dắt gái, bọn ma cô và bè lũ buôn người máu lạnh.
Cuộc chiến giữa những kẻ dắt gái cũng gay gắt không kém khi người xem chứng kiến sự cạnh tranh nảy lửa giữa những kẻ đi theo cách thức mới và những tay ma cô kiểu cũ.
Những phân cảnh hành hạ các cô gái bằng đòn roi hay thậm chí là sát hại không thương tiếc khiến người xem không khỏi kinh hoàng sự máu lạnh và tàn nhẫn của những kẻ buôn người.
Những ghi chép thực tế của nữ phóng viên đã giúp đạo diễn Kennet Kenneth dựng lên một bộ phim Oloture giàu tính thực tế và lột tả được bản chất của những lời hứa hẹn từ những kẻ buôn người. Là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người phụ nữ Nigeria trước những giấc mơ đổi đời ở vùng đất hứa.
Không chỉ phụ nữ Nigeria mà những nước ở Nam Phi cũng cần cảnh giác trước vấn nạn buôn bán phụ nữ và nô lệ tình dục khi họ không được tuyên truyền đúng và nhận thức đủ về những hiểm nguy của con đường họ chọn.
Oloture là một phim hay và xứng đáng cho chúng ta dành thời gian thưởng thức. Đồng thời, đây cũng là một phim phản ánh hiện thực xã hội sắc nét đến người xem một mặt trái xã hội mà ở đó nạn nhân chính là những người phụ nữ thiếu hiểu biết.
Bạn có thể dành thời gian để thưởng thức phim này để có cái nhìn về những người phụ nữ bị bán như món hàng và bóc lột như những kẻ nô lệ một cách rẻ mạt.
Carmen