Tắm rừng là một từ dùng để nói về hoạt động trong rừng của con người nhằm mục đích chữa lành và mang đến những tác động tích cực đối với sức khỏe tinh thần.
-
Tắm rừng là gì? Nguồn gốc của tắm rừng
“Tắm rừng” (forest bathing) bắt đầu ở Nhật Bản từ những năm 1980, còn được gọi là “shinrin-yoku” và thuật ngữ tiếng Nhật này có nghĩa là tắm trong rừng hoặc tham gia hoạt động trong rừng với các giác quan được sử dụng. Nó cũng được gọi là “tắm cây” hoặc liệu pháp thiên nhiên tốt cho sức khỏe.
“Tắm rừng” cho phép con người kết nối với thiên nhiên xung quanh và đắm chìm trong môi trường rừng tự nhiên và tăng cường sức khỏe bằng cách sử dụng các giác quan như thị giác, khứu giác, thính giác…
-
Tác dụng của tắm rừng
Theo Tiến sĩ Qing Li, bác sĩ tại Trường Y khoa Nippon ở Tokyo, chủ tịch Hiệp hội Trị liệu rừng Nhật Bản và tác giả sách “Tắm rừng: Làm thế nào cây có thể giúp bạn tìm thấy sức khỏe và hạnh phúc” (Forest Bathing: How Trees Can Help You Find Health and Happiness ), con người thường dành khoảng 93% thời gian trong nhà. Nghiên cứu của ông chỉ ra, điều đó sẽ gây ra cảm giác tiêu cực về cuộc sống, song có thể được cải thiện đáng kể chỉ sau vài giờ thực hành tắm “rừng”.
“Trong đất có chứa một loại vi khuẩn tên là Mycobacterium vaccae, chúng ta hít vào khi ở trong rừng. Vi khuẩn này hoạt động giống như thuốc chống trầm cảm và có thể hiệu quả hơn so với một số thuốc kê toa trong giải tỏa tâm trạng”, ông chia sẻ.
Kết quả tích cực là con người được trải nghiệm yên bình và điều này đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh các lợi ích sức khỏe khác nhau. Việc tắm rừng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tâm trạng, khả năng tập trung và mức độ căng thẳng. Những căng thẳng mãn tính có thể làm trầm trọng thêm các bệnh như lo lắng, trầm cảm và mất ngủ.
Sự căng thẳng cũng có thể gây nên các vấn đề sinh lý, như huyết áp cao, căng cơ và phản ứng miễn dịch yếu hơn. Việc dành thời gian trong tự nhiên, tránh xa công nghệ hiện đại và các thành phố lớn có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn bằng cách giảm các tác động căng thẳng lên cơ thể bạn.
Theo y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda, yoga kết hợp với “tắm rừng” sẽ “mở khóa” các giác quan và cơ thể sẽ giải phóng sự bình tĩnh và niềm vui, và đi vào trạng thái hạnh phúc.
Tắm rừng có những lợi ích tương tự như các liệu pháp Nhật Bản khác như ngồi Thiền và chánh niệm, nhưng là một khái niệm ít nặng nề hơn nhiều. Thiền đòi hỏi bạn phải ngồi yên và để cho dòng suy nghĩ của mình đi qua tâm trí của bạn mà không ngăn cản, trong khi chánh niệm là nhận thức tích cực về môi trường xung quanh, hoàn cảnh sống của bạn và sự thừa nhận về cảm giác của bạn trong lúc đó. Tuy nhiên, ở trong rừng, ngồi thiền và chánh niệm đến một cách tự nhiên khi bạn cho phép các giác quan của mình tập trung vào những thay đổi nhỏ, không phức tạp xung quanh bạn.
Một số lợi ích từ tắm rừng có thể kể đến như sau:
Tăng cường chức năng miễn dịch
Một trong những lợi ích của việc “tắm rừng” là tăng hệ miễn dịch. Một nghiên cứu cho thấy rằng thời gian trong tự nhiên có thể thúc đẩy đáng kể hoạt động của bạch cầu có thể giúp chống lại các tế bào vi rút và khối u.
Những tác động tích cực của việc “tắm rừng” được ghi nhận nhờ Phytoncide – chất kháng sinh tự nhiên tỏa ra từ cây như alpha-pinene và limonene.
Cải thiện sức khỏe của hệ thần kinh
Một hiệu ứng tích cực khác của “tắm rừng” là trên hệ thần kinh. Nếu sức khỏe hệ thần kinh tốt, nhịp tim và huyết áp sẽ ổn định. Và việc “tắm rừng” giúp cân bằng hệ thần kinh.
Giảm huyết áp
Huyết áp cao hoặc tăng huyết áp có thể được kiểm soát nhờ “tắm rừng”. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng môi trường rừng giúp giảm kích thích tố căng thẳng như noadrenaline và adrenaline và mang lại hiệu ứng thư giãn tổng thể.
Tăng cường sức khỏe tâm thần
Thiên nhiên có thể có lợi cho sức khỏe tâm thần bằng cách giảm mệt mỏi nhận thức, căng thẳng, trầm cảm và lo âu. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy băn khoăn chỉ cần đi bộ trong tự nhiên và tăng cường sức khỏe tâm thần.
Giảm căng thẳng
Cây tỏa ra các hợp chất có thể có tác động rất tích cực trên con người. Những hợp chất này được gọi là phytonicide thực sự làm giảm mức độ hoóc môn căng thẳng ở cả nam và nữ.
Để có được phytonicide, bạn phải hít thở không khí trong rừng.
Tăng cường chức năng nhận thức
Bạn có biết trải qua nhiều thời gian hơn trong tự nhiên có thể thúc đẩy sự sáng tạo? Điều này cũng một phần là nhờ tắt thiết bị điện tử và tách mình ra khỏi thế giới căng thẳng. Trải mình với tự nhiên là làm tăng chức năng nhận thức.
-
Cách thức thực hiện tắm rừng
Để thực hành “tắm rừng”, người Nhật để điện thoại sang một bên và đến khu rừng gần nhất. Họ không cần phải đi bộ đường dài, chạy, hay leo núi, thậm chí có thể ngồi nếu muốn. Việc cần làm là hít một hơi thật sâu để tận hưởng bầu không khí sạch sẽ, thơm mát và đắm mình trong khung cảnh của đất trời; chạm vào những mảng rêu mềm xanh lá cây đang trải thảm trên viên đá hoặc vỏ cây xù xì. Sự tĩnh lặng xung quanh lan vào tâm trí giúp họ quên đi sự chuyển động không ngừng của cuộc sống thị thành.
Du khách cũng dần chú ý tới phương pháp trị liệu này. Họ có xu hướng đến với thiên nhiên để thư giãn, cân bằng cuộc sống. Nếu bạn không biết cách tự trải nghiệm “tắm rừng” thế nào, Nhật Bản đã có các tour du lịch cung cấp dịch vụ này dựa trên nhu cầu cá nhân của khách. Với sự trợ giúp của hướng dẫn viên hoặc nhà trị liệu, du khách sẽ học cách dừng lại và cảm nhận thiên nhiên xung quanh, sau đó có thể kết thúc bằng việc thưởng thức trà đạo.
Theo bài chia sẻ trên tạp chí du lịch Afar, năm 2018, khoảng 2,5 đến 5 triệu người tham gia đi bộ đường mòn trong những khu rừng trị liệu ở Nhật và 1.200 hướng dẫn viên có giấy chứng nhận. Tại đây, hướng dẫn viên hái lá cho du khách ngửi và truyền đạt những kiến thức về hệ động thực vật độc đáo của khu rừng trên đường đi.
Trong trường hợp du khách muốn tự mình “tắm rừng”, Nhật Bản có những vườn quốc gia đẹp. Nếu thích leo núi, bạn có thể đến dãy Alps của Nhật Bản ở tỉnh Nagano. Nếu muốn trải nghiệm hành trình tâm linh, vườn quốc gia Yoshino-Kumano, bán đảo Kii, phía nam Osaka là nơi nổi tiếng với những khu rừng thiêng. Nếu là người thích phiêu lưu, bạn hãy đi về phía nam để đến với vườn quốc gia Yakushima.
Carmen (tổng hợp và biên tập)