Cờ vây là một trò chơi dạng chiến lược trừu tượng cho hai người chơi, trong đó mục tiêu là bao vây nhiều lãnh thổ hơn đối thủ.
Trò chơi được phát minh ở Trung Hoa thời cổ đại vào hơn 2.500 năm trước, và được coi là trò chơi bảng lâu đời nhất còn được tiếp tục chơi cho đến ngày hôm nay.
Tính đến giữa năm 2008, có khoảng trên 40 triệu người chơi cờ vây trên toàn thế giới, một phần rất lớn người chơi sống tại khu vực Đông Á. Tính đến tháng 12 năm 2015, Liên đoàn cờ vây quốc tế đã có tổng cộng 75 quốc gia thành viên và bốn tổ chức hiệp hội thành viên ở các quốc gia khác nhau.
Mặc dù các quy tắc chơi tương đối đơn giản, nhưng về mặt chiến thuật, cờ vây lại thiên biến vạn hóa vô cùng phức tạp, thậm chí độ phức tạp còn cao hơn cả cờ vua. Trò chơi này sở hữu số lượng các khả năng cho mỗi nước đi, nhiều hơn tổng số nguyên tử trong vũ trụ có thể nhìn thấy được.
So với cờ vua, cờ vây có cả một bàn cờ lớn hơn với nhiều phạm vi để chơi hơn và các ván đấu kéo dài hơn, tính trung bình, có rất nhiều lựa chọn thay thế để xem xét trong mỗi nước đi. Giới hạn dưới về số lượng vị trí nước đi hợp lệ trên bàn cờ trong cờ vây được ước tính là 2 x 10.
Cờ vây được coi là một trong tứ nghệ – bốn loại hình nghệ thuật thiết yếu của giai cấp quý tộc tri thức Trung Hoa được nuôi dạy trong thời cổ đại. Tài liệu ghi chép sớm nhất có nhắc đến trò chơi được công nhận nói chung là biên niên sử Tả truyện (khoảng thế kỷ IV TCN).
Luật đơn giản
Các quân cờ trong cờ vây có tên gọi khác là “quân cờ đá” (stone). Một kì thủ – người chơi cờ – cầm quân cờ trắng và người còn lại cầm quân cờ đen. Các kì thủ lần lượt đặt các quân cờ trên các nút giao còn trống (“nút” hay “điểm nút” – point) của một bàn cờ với một lưới các dòng kẻ kích thước 19×19 (mỗi bề là 18 ô vuông và 19 giao điểm – nút).
Người mới chơi thường chơi với các bàn cờ kích thước nhỏ hơn như 9×9 và 13×13. Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy trò chơi đã được chơi trong những thế kỷ trước trên bàn cờ có lưới 17×17. Tuy nhiên, bàn cờ lưới 19×19 đã trở thành tiêu chuẩn vào thời gian nó du nhập vào Triều Tiên vào thế kỷ V sau Công nguyên và sau đó là Nhật Bản vào thế kỷ VII của Công Nguyên.
Mục tiêu của cờ vây – như nghĩa tên gọi của nó – là bao vây một tổng diện tích lớn hơn so với đối thủ.
Sau khi được đặt trên bàn, quân cờ không thể di chuyển, nhưng một quân cờ sẽ được loại bỏ khỏi bàn cờ khi “bị bắt”. Việc bắt quân xảy ra khi một hoặc một nhóm quân cờ bị bao vây bởi những quân cờ của đối thủ ở tất cả các điểm lân cận gần kề. Trò chơi sẽ diễn tiến cho đến khi cả hai người chơi đều không muốn thực hiện tiếp nước đi nào nữa; trò chơi không có điều kiện kết thúc nào khác ngoài điều này.
Khi một ván đấu kết thúc, lãnh thổ được tính cùng với những quân cờ bị bắt và komi (số điểm thêm vào tổng điểm của người chơi cầm quân trắng để tạo một lợi thế bù đắp cho việc bắt đầu ván cờ sau người còn lại – cầm quân đen) để xác định người chiến thắng. Ván đấu cũng có thể được kết thúc ngay lập tức khi một bên chịu nhận thua.
Từ nguyên
Tên gọi “cờ vây” trong tiếng Việt, cũng như tên tiếng Nhật igo (囲碁?) có nguồn gốc từ tên Trung Quốc, được phỏng dịch là “trò chơi bàn cờ bao vây”. Trong tiếng Anh, từ để chỉ “cờ vây” là “go”, được mượn trực tiếp từ tên tiếng Nhật “igo”, và để phân biệt từ chỉ trò chơi này với động từ to go – một động từ phổ biến trong tiếng Anh, tên trò chơi thường được viết hoa.
Từ ‘baduk’ (Hangul: 바둑) trong tiếng Hàn Quốc có nguồn gốc từ tiếng Triều Tiên Trung thế ‘Badok’, nguồn gốc của nó còn gây tranh cãi; những từ nguyên có tính hợp lý hơn bao gồm hậu tố ‘-ok’ thêm vào ‘Bad’ tạo nên nghĩa ‘bàn cờ phẳng và rộng’, hoặc là ghép cụm ‘Bad’, nghĩa là ‘vùng đất’, và ‘Dok’, nghĩa là ‘quân cờ bằng đá’.
Những từ nguyên ít mang tính hợp lý hơn bao gồm từ gốc ‘Badukdok’, ám chỉ đến những quân cờ trong ván cờ, hoặc một từ gốc có nguồn gốc Trung Quốc là 排子 (bài tử), nghĩa là ‘sắp xếp các quân cờ’.
Tổng quan
Cờ vây là một trò chơi đối đầu với mục tiêu bao vây một khu vực tổng quát lớn hơn trên bàn của một đấu thủ bằng các quân cờ so với đối phương. Khi trò chơi diễn tiến, các đấu thủ đặt các quần cờ trên bàn để định hình thế cờ và các lãnh thổ tiềm năng. Các giao tranh giữa các thế cờ đối địch thường cực kì phức tạp và có thể dẫn đến việc mở rộng, thu gọn hoặc bắt quân hàng loạt và tổn thất các quân cờ trong thế cờ.
Một nguyên tắc cơ bản của cờ vây là một nhóm quân cờ phải có ít nhất một “điểm tự do” để được ở lại trên bàn cờ. Một “điểm tự do” (hay còn gọi là “khí”) là một “điểm” (giao lộ) mang tính mở (không có quân cờ được đặt ở đó), nằm giáp với nhóm quân. Một (hoặc nhiều) điểm tự do được bao quanh bởi các quân cờ được gọi là một “điểm mắt”, và một nhóm quân cờ có hai hoặc nhiều điểm mắt được quy ước một cách vô điều kiện là “sống” (không bị bắt quân). Những nhóm quân như vậy không thể bị bắt, ngay cả khi bị bao vây. Một nhóm quân chỉ có một điểm mắt hoặc không có điểm mắt nào được gọi là đã “chết” và không thể chống lại việc bắt quân cuối cùng.
Chiến lược tổng quát của trò chơi là mở rộng lãnh thổ của một đấu thủ, tấn công các nhóm quân yếu của đối phương (các nhóm có thể bị giết), và luôn lưu tâm đến “trạng thái sống” của các nhóm quân của bản thân mình. Các điểm tự do của các nhóm đều có thể đếm được.
Các tình huống mà các nhóm quân đối địch phải bắt lẫn nhau hoặc phải chết được gọi là các cuộc “đua khí” hoặc semeai. Trong một cuộc đua khí, nhóm có nhiều điểm tự do hơn và/hoặc có “hình cờ tốt hơn” cuối cùng sẽ có thể bắt được các quân cờ của đối phương. Những cuộc đua khí và các yếu tố sống và chết là những thách thức chính của cờ vây.
Một người chơi có thể bỏ lượt dựa trên việc xác định rằng ván cờ này không còn có cơ hội đi được nước cờ nào để giành lợi thế về bản thân. Ván cờ kết thúc khi cả hai người chơi đều bỏ lượt và sau đó được tính điểm. Đối với mỗi người chơi, số lượng quân cờ bị bắt được trừ vào số điểm kiểm soát (bao quanh) được trong các “điểm tự do” hoặc “điểm mắt” và người chơi có điểm số cao hơn sẽ thắng trận đấu. Các ván cờ cũng có thể thắng bằng việc một đấu thủ nhận thua.
Carmen (tổng hợp)