Nỗi sợ kết thúc khiến người ta từ chối bắt đầu

0

Chợt có người hỏi tôi “Vì sao người ta không muốn bắt đầu một mối quan hệ mới chỉ vì những điều không tốt trong mối quan hệ cũ?”, một câu hỏi hay để suy ngẫm cho cuối tuần.20201231 191047 01 1024x767 - Nỗi sợ kết thúc khiến người ta từ chối bắt đầu - hanh-trinh-ca-nhan, goc-van-cua-nang

Tôi cho rằng vì họ sợ.

Con người ta rất kì lạ, cứ hay sợ hãi những điều vô lý, những điều không có thật mà chẳng chịu bận tâm vào những mối nguy tiềm ẩn quanh mình. Hội chứng FOMO là một ví dụ sinh động và mạnh mẽ trong việc đầu tư. Tôi đồ rằng ai ai cũng biết.

Với tôi, có ba điều như sau:

  1. Bất kể điều gì, một khi có bắt đầu sẽ có kết thúc.
  2. Người ta hay chọn những điều dễ dàng để rồi không hài lòng…
  3. Nhưng lại không có can đảm từ bỏ để bắt đầu lại.

Thế nên việc từ chối bắt đầu không phải là nguyên nhân mà chỉ là hệ quả từ một chuỗi cảm xúc. Và có lẽ điều này sẽ không thể kết thúc cho đến khi họ học được cách chấp nhận cách mà thế giới này vận hành.

Bây giờ, Carmen sẽ nói sâu hơn nhé!

Có bắt đầu thì sẽ có kết thúc.

Chúng ta đều biết rõ “cuộc vui nào cũng tàn” và không có điều gì tồn tại mãi mãi từ cây cối, sinh mệnh hay thậm chí là trái đất. Đứng trước thời gian, chúng ta chỉ là những sinh mệnh nhỏ nhoi đến thế giới này trong một giai đoạn ngắn ngủi. Đứng trước tuổi thọ của hành tinh, một đời người hoá ra chẳng khác gì hạt cát trên hoang mạc.

Vậy thì bạn đang muốn đi trái lại những quy luật tự nhiên bằng cách vô vọng nhất là phủ nhận chúng hay thế nào?

Người ta hay chọn những điều dễ dàng để rồi không hài lòng….

Nói cho dễ hiểu thì chúng ta dễ hài lòng với những gì mình có được khi cố gắng “vừa vừa” thay vì “cố hết sức” để đạt được thành quả nào đó cao hơn hay ấn tượng hơn. Điều này, về lâu về dài sẽ gây ra những mâu thuẫn nội tâm vì bạn chẳng hài lòng với điều đang có trong khi chính bạn cũng không nỗ lực để làm tốt hơn.

Carmen có thể nhìn thấy ở đây chính là sự thỏa hiệp cùng với một số lỗi tư duy mà gần như ai ai cũng mắc phải.

Thành kiến chứng thực: bạn cho rằng mọi việc sẽ ổn ngay cả khi bạn chỉ hoàn thành 70% yêu cầu công việc được giao vì bạn thấy đồng nghiệp cũng vậy. Đôi khi đó không phải là điều đúng. Vậy có nghĩa là bạn có khả năng gặp vấn đề với quản lý.

Một dạng khác của thành kiến chứng thực là ngụy biện cho sai phạm: bạn cho rằng bản thân đã làm tốt nhất có thể nhưng đó là trước khi bạn nhận ra vấn đề.

Tư duy tập thể: bạn cho rằng bản thân đúng khi được nhiều sự ủng hộ nhưng quên mất họ không phải là bạn và cũng không chịu trách nhiệm cho lời họ nói. Bởi cuộc đời là của bạn cơ mà!

Tất nhiên, đây là một số vấn đề mà Carmen có thể nói (trong phạm vi hiểu biết cá nhân) nhưng khi xâu chuỗi chúng lại, thì kết quả là con người thường chọn những lựa chọn dễ dàng với một thành quả mà bản thân họ rằng “cũng được” thay vì phải nỗ lực hơn.

Không may là sự “cũng được” này thường chết yểu.

IMG 1609606779342 1609606994317 01 1024x768 - Nỗi sợ kết thúc khiến người ta từ chối bắt đầu - hanh-trinh-ca-nhan, goc-van-cua-nang

Nhưng lại không có can đảm từ bỏ để bắt đầu lại.

Tất nhiên, đây là thời điểm mà người ta nhận ra những nỗ lực “lưng chừng” phát tác ra hệ quả tiêu cực nhưng chẳng thể từ bỏ để bắt đầu lại bởi lỗi ngụy biện chi phí (một lỗi khác về tư duy).

Tất nhiên “chi phí” được hiểu bao quát hơn trong cuộc sống, các mối quan hệ, nỗ lực xây dựng điều gì đó,… chứ không đơn giản là đong đếm bằng tiền.

Hoặc có thể còn một nỗi lo khác âm thầm tồn tại chính bản thân là họ nhận ra một sự thật rằng: ngay cả khi bắt đầu lại thì họ cũng không thể “nỗ lực hết mình” để có một kết quả khác đi là bao.

Và cứ thế, người ta sống trong vòng luẩn quẩn của việc chấp nhận thỏa hiệp để rồi nhận lấy những kết quả không như mong đợi nhưng bản thân cũng không có bản lĩnh từ bỏ để cho bản thân cơ hội khác.

Nói riêng về các mối quan hệ thì Carmen nghĩ rằng chúng ta nên học thêm một bài học về sự chấp nhận. Chấp nhận không có nghĩa là từ bỏ mà chính là tuân theo những quy luật tự nhiên.

Bởi khi có thể chấp nhận rằng một ai đó sẽ đến lúc rời xa, mối quan hệ đến lúc phải dừng lại bởi chính nó cần một sự thoát thai mà mỗi chúng ta dù muốn hay không cũng không thể thay đổi hay kiềm hãm, thì mọi việc sẽ dễ hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ có can đảm để bắt đầu, có bản lĩnh để dấn thân và đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống hơn là thỏa hiệp với những thứ lưng chừng.

Cuộc sống này là hữu hạn. Thế nên hãy trân trọng người bên cạnh khi còn có thể dù cho đó là hệ quả của những nỗ lực “lưng chừng”. Vì trong tình huống bạn không thể từ bỏ thì trân trọng là giải pháp tốt nhất có thể cho đến khi tới hạn.

Chúng ta sống chính là dành thời gian trải nghiệm và học hỏi những quy luật của thế giới này chứ không phải bằng mọi cách chống lại chúng trong vô vọng. Và sợ hãi chỉ nên là chút màu sắc bổ sung trong hành trình của mỗi người thay vì mang tính chủ đạo.

Carmen

Châu Carmen Nguyễn - Business Development & Sales. Với hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực marketing & sales các ngành mẹ và bé, thời trang cao cấp và bán lẻ. Và hơn 5 năm trong hoạt động đào tạo. Là thành viên của The Unbeaten Team (TUT).